Ngày 18/07/2018 vừa qua, báo Thanh Niên tổ chức một cuộc họp báo với chủ đề “Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư BĐS”, đa số các chuyên gia có mặt đều khẳng định: 2019 là thời điểm chính xác rơi vào đúng chu kỳ 10 năm khủng hoảng của BĐS, tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy khó xảy ra với thị trường.

“Mọi dấu hiệu cho thấy đang rất ổn định” – Một chuyên gia cho hay.

Tại buổi họp báo, “Liệu rằng chu kỳ khủng hoảng 10 năm 1 lần của thị trường BĐS có xảy ra vào năm 2019 hay không ? Vì theo như 4 thập kỷ qua, cứ 10 năm 1 lần thì nền kinh tế Việt Nam lại xảy ra một cuộc khủng hoảng ?” là những câu hỏi luôn được đặt ra bởi sự quan tâm về thị trường của các chuyên gia và doanh nghiệp BĐS mong muốn có một câu trả lời thoả đáng.

Và câu trả lời của các chuyên gia đó là “khó có thể xảy ra, nhất là đối với thị trường BĐS“.

Đầu tiên, diễn biến cung – cầu trên thị trường BĐS khá ổn định. Cầu về ở thực đang tăng mạnh tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP. HCM. Hiện nay, mỗi năm, TP. HCM tăng trưởng về dân số khoảng trên dưới 500.000 người, trong đó 250.000 là dân nhập cư nhưng nguồn cung căn hộ chỉ 10.000 căn/ năm nên chỉ cơ bản đáp ứng được 5 – 10% về nhu cầu nên cơ bản phải cần thêm khá nhiều nguồn cung nữa để có thể đáp ứng được.

Thứ hai, đó là mức độ quan tâm đầu tư đối với thị trường BĐS tại Việt Nam vẫn còn rất thu hút kể cả trong và ngoài nước. Theo thống kế 6 tháng đầu năm 2019, thì lượng vốn đầu tư từ nước ngoài đã tăng khoảng 3.28 tỷ USD, tức là tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ ba, các cải cách vĩ mô và sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ đã có kết quả tích cực đáng khả quan, kịp thời “phanh” lại các bất ổn tiềm tàng có khả năng gây khủng hoảng kinh tế trong thời gian trước.

Theo đó, chủ tịch hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu khẳng định: 6 tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS có dấu hiệu phát triển nóng ở 2 phân khúc là đất nền và condotel. Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, tình hình trên đã ngăn chặn và cải thiện, và tốc độ tăng trưởng ở 2 phân khúc này đã trở lại trạng thái bình thường. Theo chủ tịch HoREA, bong bóng BĐS chỉ xảy khi xuất hiện các dấu hiệu cơ bản như: nền kinh tế phát triển nóng, chính sách tín dụng buông lỏng, khoảng cách cung – cầu lớn, sự gia tăng hiện diện của các NĐT thứ cầu – nhà đầu cơ, thiếu sự can thiệp của chính phủ.

“Tuy nhiên, nhìn nhận tổng quan thị trường, cho thấy, nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng ổn định. Trong khi ngân hàng nhà nước chủ trương tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng, chặt chẽ; lệch pha cung cầu chưa đến mức phá vỡ cân bằng trên thị trường; nhà nước sử dụng công cụ quản lý rất tốt. Do đó, trước bối cảnh các bên tham gia thị trường đèu khá thận trọng thì khó có nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS vào năm 2019”, ông Châu khẳng định. 

Ông Phan Trường Sơn – Trưởng phòng phát triển nhà và thị trường BĐS, thuộc Sở xây dựng Tp.HCM cho hay, 6 tháng đầu năm 2018 nguồn cung của thị trường BĐS có sự sụt giảm. Cụ thể, phân khúc cao cấp chiếm tỉ lệ 41%, trung cấp 39,1% và bình dân chiếm 19,9%, xét về số lượng chào bán ra thị trường giảm 1/3 so với cùng kỳ. “Mặc dù nguồn cung sụt giảm nhưng nhìn chung thị trường vẫn phát triển ổn định về nguồn cầu.  Cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ tham gia hỗ trợ thị trường BĐS. Kinh tế vĩ mô của cả nước và Tp.HCM vẫn tăng trưởng ổn định, chính phủ đã có những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, GDP tăng trưởng mạnh nhất trong 1 thập kỷ qua… do đó, nền kinh tế khó xảy ra khủng hoảng và lo ngại bong bóng BĐS còn quá sớm”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đại diện ngân hàng nhà nước, chi nhánh Tp.HCM cũng khẳng định,nếu khoảng 10 năm trước tín dụng vào BĐS thường xuyên ở mức cao trên 30% thì 3 năm trở lại đây con số này đã giảm mạnh, ở mức khoảng 10%. “Như vậy, tín dụng dư nợ bất động sản cả nước vẫn được duy trì suốt 4 năm qua và vẫn đang trong mức 8-10% là an toàn”.

Cơ hội lớn cho các nhà phát triển BĐS, NĐT và cả người mua ở thực

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS “hạ nhiệt” xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân như: Chính sách tín dụng hỗ trợ thị trường BĐS bị thu hẹp; chính sách kiểm soát sốt ảo đất nền có hiệu quả; nguồn cung bung thị trường, quỹ đất hạn chế

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chính là giai đoạn tiền đề tạo ra cơ hội rất lớn cho nhà phát triển BĐS, các NĐT và cả người mua ở thực

“Đây chính là giai đoạn bản lề tạo ra cơ hội rất lớn cho nhà phát triển BĐS, các NĐT và cả người mua ở thực”

Tại cuộc họp báo, đại diện các doanh nghiệp BĐS đều cho rằng, giá cả thị trường ổn định sẽ giúp tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án của các DN sẽ thuận lợi hơn.

Ngoài ra, thủ tục hành chính chặt chẽ, nguồn cung giảm trong khi nguồn cầu còn rất lớn là tiền đề mở ra nhiều cơ hội cho các DN tham gia vào thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đấy, khi giá cả thị trường ổn định việc tiếp cận chốn an cư của người mua ở thực sẽ có xu hướng tăng lên. Bởi thực tế thời gian vừa qua cho thấy, ở phân khúc đất nền tăng trưởng nóng, giá liên tục lên cao khiến việc tiếp cận chỗ ở của người ở thực gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ hội thảo, một số đại diện doanh nghiệp BĐS cũng bày tỏ những kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng…còn nhiều tồn đọng khiến việc phát triển dự án, tiếp cận quỹ đất và khách hàng gặp nhiều khó khăn.