Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thống nhất chọn Phương án LT-03 của Heerim Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc) là phương án thiết kế nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chọn để triển khai các bước tiếp theo.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trước đó đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc lựa chọn tư vấn lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Báo cáo của ACV cho biết, thông qua quá trình thi tuyển với sự tham gia của 9 hồ sơ đề xuất dự thi của các tổ chức tư vấn quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau, Hội đồng đánh giá xếp hạng đã chọn 3 phương án thiết kiến trúc dự án lần lượt là phương án LT-07 (Lá dừa nước) của Liên danh tư vấn Singapore-Việt Nam-Nhật Bản; phương án LT-03 (Bông Sen) của tư vấn Hàn Quốc; phương án LT-04 (Nội thất tre) của Liên danh tư vấn Nhật Bản-Pháp.
Tuy nhiên, theo ACV, phương án LT-03 (Bông sen) của Công ty Heerim Architects & Planners – Hàn Quốc là phù hợp nhất.
Để có cơ sở pháp lý thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật chỉ định thầu làm Tư vấn lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ACV kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ban hành quyết định về việc phương án LT-03 là phương án kiến trúc được lựa chọn làm nhà thầu phụ đặc biệt thực hiện công tác lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách Long Thành.
Theo đó, phương án này dự án có kiến trúc hiện đại mà mạch lạc, phù hợp với không gian lớn, tổ chức hình khối kiến trúc thanh thoát và nội thất tạo được khoảng lặng cần thiết cho hành khách. Thiết kế nhà ga hình hoa sen được tác giả lấy ý tưởng từ hình ảnh bông sen cách điệu một nét đặc trưng cho văn hóa Việt Nam. Tổng hội Xây dựng vừa có văn bản đề xuất kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải về phương án này.
Các chuyên gia của Tổng hội Xây dựng cũng cho rằng hình ảnh hoa sen được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục. Hình khối khu vực nhà ga chính (mái) sử dụng ý tưởng là những cánh hoa sen.
Bên cạnh đó, khu vực nhà để xe ngoài trời, trên mái sử dụng làm công viên cây xanh kết hợp với hồ nước lớn tại vị trí trung tâm cũng lấy ý tưởng bông sen, làm điểm nhấn cho khu vực này. Phương án này do công ty Hàn Quốc thực hiện. Đây cũng là đơn vị thiết kế nhà ga hành khách T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc), sân vận động Olympic (Baku), tòa tháp Kangnam – Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.
Được biết, Công ty Heerim Architects & Planners (Hàn Quốc) cũng là đơn vị thiết kế nhiều nhà ga lớn như: Nhà ga hành khách T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc); Sân vận động Olympic (Baku); Tòa tháp Kangnam – Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Dự án được Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 9 thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 với mục tiêu xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), trước mắt khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Sân bay Long Thành sẽ giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng đến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu/khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất đến năm 2025.
Theo Trí thức trẻ